Chương I: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH ĐẢNG BỘ CƠ QUAN DÂN CHÍNH ĐẢNG TỈNH NGHỆ AN (1950 – 1954)

I. SỰ RA ĐỜI CÁC LIÊN CHI BỘ ĐẢNG TIỀN THÂN CỦA ĐẢNG BỘ QUAN DÂN CHÍNH ĐẢNG TỈNH NGHỆ AN

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Để xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, Đảng luôn luôn quan tâm sâu sắc tới việc nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng trong bộ máy nhà nước và các cơ quan của hệ thống chính trị. Từ đó, số tổ chức cơ sở đảng tăng nhanh. Đối với Nghệ An, thời kỳ đầu kháng chiến (11/1946), toàn tỉnh mới có 160 chi bộ, đến đầu năm 1950 đã có 244 chi bộ đảng. Trong tổng số 244 chi bộ có 87 chi bộ thuộc các cơ quan cấp tỉnh. Các chi bộ này đều đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy(1).

Sau chiến dịch Biên giới năm 1950, từ thế cầm cự và phòng ngự, ta bắt đầu chuyển sang phản công. Trước tình hình đó, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cấp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức các hội nghị mở rộng ngày 15, 16, 17/1/1948, để kiểm điểm tình hình sau một năm kháng chiến và đề ra nhiệm vụ của giai đoạn mới. Về công tác xây dựng Đảng, Nghị quyết Hội nghị đã chỉ đạo cụ thể việc nâng cao trình độ lý luận, chính trị cho cán bộ, đảng viên theo phương châm lý luận đi đôi với thực tiễn, chống chủ quan, giáo điều, hẹp hòi, hữu khuynh; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; nâng cao trình độ tổ chức lên kịp trình độ chính trị; làm cho các chi bộ có thể chủ động lãnh đạo mọi mặt công tác ở địa phương; tăng cường giáo dục đảng viên về ý thức giai cấp, về tinh thần kỷ luật và đạo đức cách mạng; thành lập các ban: Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức và Ban Kiểm soát của các cấp ủy; phát triển Đảng phải đi đôi với củng cố, tích cực phát triển Đảng ở các vùng địch kiểm soát, nhất là ở những nơi tập trung công nhân, ở Campuchia, Lào, vùng biên giới, trong các lực lượng vũ trang, các cơ quan nhà nước; chú ý đào tạo cán bộ, công nhân và phụ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số và cán bộ Công giáo; củng cố giao thông liên lạc giữa ba miền Bắc, Trung và Nam, Campuchia và Lào; thành lập các đảng bộ liên khu, các ban cán sự Campuchia và Lào; chuẩn bị Đại hội toàn quốc của Đảng để tổng kết kinh nghiệm, xác định đường lối, đưa kháng chiến đến thắng lợi, sửa đổi Điều lệ Đảng và bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Bước vào thời kỳ cách mạng mới, Tỉnh ủy Nghệ An chủ trương thành lập tổ chức cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, là các liên chi bộ đảng. Thực hiện chủ trương đó, ngày 6/1/1950, Đại hội đại biểu thành lập Liên chi bộ đảng các cơ quan Dân, Chính, Đảng cấp tỉnh được triệu tập tại làng Hội Tâm, xã Yên Hoà, huyện Anh Sơn (nay là xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương); có 50 đại biểu, đại diện cho hàng trăm đảng viên sinh hoạt tại nhiều chi bộ cơ sở đảng về tham dự. Đại hội vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy về dự và chỉ đạo.

Đại hội đã vạch ra phương hướng, nhiệm vụ chung của Liên chi bộ đảng trong giai đoạn cách mạng mới: Lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công nhân viên thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; mở rộng dân chủ nội bộ, thức dậy chuyên môn, thi đua hoàn thành công tác được giao, góp phần cùng với cả tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “Kháng chiến, kiến quốc”. Đại hội bầu Ban Chấp hành Liên chi. Đồng chí Hồ Sỹ Giàng được Ban Chấp hành Liên chi bầu giữ chức vụ Bí thư Liên chi(2), Liên chi bộ đảng lúc này có tên là “Liên chi 6-1”.

Cũng trong quý I năm 1950, ngoài “Liên chi 6-1”, Tỉnh ủy đã tổ chức thành lập thêm Liên chi bộ Công sở, Liên chi bộ Công kỹ nghệ, Liên chi bộ Quân giới. Từ đây, tổ chức chi bộ, cơ sở đảng ở các cơ quan cấp tỉnh được đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của các cấp uỷ liên chi bộ đảng, có chức năng lãnh đạo toàn diện về công tác xây dựng Đảng. Các liên chi bộ đảng đóng vai trò là tổ chức đảng cấp trên cơ sở, nơi quy tụ những điểm chung về công tác xây dựng Đảng và hoạt động của tổ chức đảng trong cơ quan. Nhờ đó, thông qua liên chi bộ, các biện pháp trong công tác Đảng ở các cơ quan được đề ra và thực hiện sát đúng hơn.

Sau khi được thành lập, nhiệm vụ chính của Liên chi bộ đảng các cơ quan Dân Chính Đảng giai đoạn 1951 – 1953 là: Về kinh tế, làm tốt các hoạt động tham mưu, vận động các đơn vị tham gia phong trào thi đua yêu nước, phong trào đại vận động sản xuất, tiết kiệm, thực hành tốt các nhiệm vụ về thuế nông nghiệp và chính sách ruộng đất của Nhà nước. Về công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân không tham gia các tổ chức Liên tôn chống cộng, ổn định tư tưởng cán bộ, công nhân, viên chức trong thực hiện chủ trương giảm biên chế của Chính phủ. Về công tác xây dựng tổ chức Đảng, tham gia kiện toàn, ổn định các tổ chức cơ sở đảng cấp tỉnh, tăng cường vai trò của tổ chức đảng khi ra hoạt động công khai,…

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, dưới sự lãnh đạo của Liên chi, cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức các cơ quan cấp tỉnh đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.

Trên lĩnh vực kinh tế, đa số cán bộ, đảng viên, công nhân viên ở các cơ quan cấp tỉnh, nhất là cán bộ, lãnh đạo, quản lý đầu ngành, cán bộ nghiên cứu ở các ban chức năng tham mưu, không ngại khó khăn, gian khổ, thường xuyên bám vùng, bám điểm, đi sâu thực tế, nắm bắt thông tin, trăn trở xử lý, tìm kiếm phương án hợp lý cho phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp. Điểm nổi bật trong lãnh đạo

thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là hoàn thành công tác tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, kịp thời triển khai thực hiện thành công từng bước chính sách ruộng đất, ban hành những chủ trương phát triển kinh tế đúng, làm cho lực lượng sản xuất phát triển, quan hệ sản xuất dân chủ nhân dân được hình thành và củng cố, khuyến khích, giúp đỡ nông dân đoàn kết hăng hái sản xuất, tích cực chi viện cho kháng chiến.

Hưởng ứng cuộc đại vận động sản xuất, tiết kiệm của Chính phủ, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh phát động phong trào “Lao động sản xuất vượt chỉ tiêu Ngô Văn Phú”(3). Tại các cơ quan cấp tỉnh, từ đồng chí cán bộ lãnh đạo cao nhất cơ quan đảng, chính quyền đến các đồng chí nhân viên phục vụ; từ những cán sự, chuyên viên nghiên cứu tham mưu đến các công nhân, cán bộ hành chính sự nghiệp thực hiện kế hoạch theo chỉ lệnh cấp trên giao đều tự giác đăng ký thi đua trở thành người lao động giỏi. Phong trào thi đua ái quốc trong tỉnh nói chung, các cơ quan cấp tỉnh nói riêng đã thực sự có chuyển biến mới, phục vụ cuộc tổng phản công. Trong lao động, sản xuất, học tập, công tác của cán bộ, đảng viên, công nhân viên các cơ quan cấp tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể tiên tiến. Tiêu biểu như: Liên hiệp Công đoàn tỉnh, Ty Canh nông, Ty Công chánh,… được Hội đồng Thi đua Liên khu 4 tặng Bằng khen.

Thành công lớn và cũng là bài học về công tác thi đua yêu nước ở các cơ quan Dân Chính Đảng là lấy những gương người tốt, việc tốt trong các đơn vị mình để giáo dục lẫn nhau, đó là cách tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ cách mạng hiệu quả, làm cho mọi người hiểu rõ “thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”.

Việc thực hiện thắng lợi chính sách ruộng đất của Đảng ở Nghệ An đã đem lại những thành quả hết sức quan trọng. Chế độ phong kiến với hình thức bóc lột địa tô bị tấn công, đa số nông dân đã có ruộng cày, quyền làm chủ về kinh tế, chính trị của nông dân được mở rộng. Liên minh công nông được củng cố. Kết quả thực hiện chính sách ruộng đất của tỉnh nhà đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc kháng chiến, nhất là phong trào thi đua sản xuất, đóng góp lương thực, thực phẩm chi viện tiền tuyến, thi đua giết giặc, cứu nước của những người con xứ Nghệ trên các chiến trường, trong chiến cục Đông Xuân 1953 – 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đối với công tác tuyên truyền, trong những năm 1950 – 1953, các thế lực phản động nội địa hoạt động ráo riết, chúng thành lập ra mặt trận “Liên tôn chống cộng”(4) để cấu kết với thực dân Pháp, ra sức phá hoại mọi hoạt động kháng chiến của Nhân dân ta. Không những thế, chúng còn trắng trợn xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách kháng chiến của Chính phủ, cố tình lôi kéo giáo dân sang phía chống kháng chiến. Trước tình hình đó, tỉnh đã phải cử cán bộ thuộc các cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh về các vùng Công giáo để tuyên truyền, vận động giáo dân, củng cố lại tổ chức chính quyền và các đoàn thể quần chúng, vận động cải tổ lại tổ chức Liên đoàn Công giáo, phát động tăng gia sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân. Từ đó, giáo dân hăng hái sản xuất, tham gia kháng chiến, chấp hành tốt chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất. Cùng với những thành tích đạt được trong công tác vận động tôn giáo, việc thực thi nhiều chủ trương, chính sách đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân lao động tỉnh nhà, nhất là qua việc thực hiện chính sách ruộng đất, chính quyền các cấp ngày càng gắn bó với Nhân dân, uy tín của ủy ban kháng chiến các cấp được nâng cao, đoàn kết Nhân dân được chặt chẽ và rộng rãi. Nhờ đó, trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, mọi hành động chống phá vùng tự do Nghệ An của bọn thực dân xâm lược và bè lũ tay sai của chúng đều bị phát hiện và kịp thời trấn áp. An ninh chính trị và trật tự xã hội được giữ vững. Đó là điều kiện cực kỳ quan trọng để ta tập trung sản xuất, làm ra nhiều của cải, chi viện cho chiến trường.

Ngày 15/3/1951, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết về việc giảm biên chế trong tổ chức bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể(5). Thực hiện nghị quyết trên, các cấp ủy cơ sở đảng trong các liên chi đã phối hợp với các ban cán sự đảng, đảng đoàn và thủ trưởng chuyên môn lãnh đạo rà soát và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận trong đơn vị, quy định công tác cụ thể hợp lý cho từng cán bộ, công chức. Sắp xếp lại tổ chức, bố trí lại cán bộ cho phù hợp với chức năng và năng lực công tác, nhằm làm cho bộ máy hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao.

Về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, sau Đại hội thành lập các liên chi vào quý I năm 1950, các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh được kiện toàn và hoạt động được điều chỉnh một bước. Tuy nhiên lúc này, cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn tổng phản công, hoạt động của các ban, ngành, đơn vị cơ quan cấp tỉnh bên cạnh mặt mạnh, ưu điểm là cơ bản vẫn bộc lộ không ít những yếu kém. Đó là bộ máy cồng kềnh, mới tăng cường được số lượng, còn chất lượng cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Trong tổ chức hoạt động thiếu chặt chẽ, ăn khớp với nhau, nhất là: Ban Huấn học, Ban Đảng vụ, Ban Dân vận,… đều là những ban chức năng tham mưu nghiên cứu, tổng hợp thông tin, giúp cấp ủy tìm giải pháp chỉ đạo, vận dụng chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ vào thực tế.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng luôn được Liên chi chú trọng, nhất là từ tháng 3/1951 trở về sau, khi Đảng tuyên bố ra hoạt động công khai. Liên chi đã chỉ đạo các cơ sở đảng trực thuộc thường xuyên nắm chắc thực trạng và diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong các ban, ngành, đơn vị. Nhìn chung, cán bộ, đảng viên, công nhân viên thuộc các cơ quan cấp tỉnh có tinh thần yêu nước, căm thù giặc. Song, do đặc điểm thành phần xuất thân tham gia cách mạng của mỗi người trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên không giống nhau, đa số xuất thân từ công chức cũ, tiểu tư sản và cả thành phần phú nông địa chủ(6), trưởng thành chủ yếu qua thực tiễn công tác, chưa được giáo dục, giác ngộ nhiều về Đảng, do vậy, việc giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, nâng cao giác ngộ về Đảng, tăng cường sức chiến đấu ở đội ngũ đảng viên của chi bộ cơ sở đảng, các liên chi bộ đảng trở thành nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

Từ năm 1952 trở về sau, công tác tổ chức của các cấp ủy được coi trọng, các nguyên tắc tổ chức, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ được vận dụng nhuần nhuyễn hơn, dân chủ nội bộ, trách nhiệm cá nhân được đề cao, cán bộ, đảng viên, công nhân viên phấn khởi, tin tưởng vào chi bộ, cán bộ lãnh đạo.

Đến cuối năm 1953, hầu hết các chi bộ cơ sở đảng ở các liên chi bộ đều chấp hành nghiêm chỉ thị chỉnh đốn Đảng của Trung ương. Trong chỉnh đốn có kế hoạch tỉ mỉ, cụ thể, thực hiện đúng theo thời gian quy định. Nhờ đó, đã đánh giá đúng tình hình của chi bộ, nâng cao được nhận thức về vai trò, vị trí lãnh đạo của chi bộ, trách nhiệm của đảng viên. Tinh thần phê bình và tự phê bình tích cực, trung thực, phân tích tìm rõ được nguyên nhân mạnh, yếu của chi bộ trong lãnh đạo xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị. Phê phán đúng mức những biểu hiện lệch lạc về lập trường, quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng của đảng viên. Qua chỉnh đốn Đảng, đại đa số chi bộ cơ sở đảng đã chuyển biến tốt về ý thức đấu tranh đoàn kết nội bộ, chấp hành nguyên tắc xây dựng Đảng, chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Việc bầu cử cấp ủy được lãnh đạo chặt chẽ, phát huy dân chủ rộng rãi, phần lớn các chi bộ bầu cử được tập trung, chọn lựa đảng viên tiêu biểu vào cơ quan lãnh đạo của mình.

Các liên chi đã nắm bắt thông tin, tham gia với các ban chức năng và Tỉnh ủy để đề án chấn chỉnh cấp ủy trong các ngành và cơ sở được triển khai một cách tích cực. Kết quả, trong những năm 1953 – 1954 đã đề bạt 290 cán bộ bổ sung cho các ban, ngành cấp tỉnh và cung cấp trên 1.100 cán bộ cho kháng chiến.

Mặc dù công tác ở địa bàn sơ tán, giao thông hạn chế, công việc chuyên môn càng về cuối cuộc kháng chiến càng dồn dập nhưng hầu hết cấp ủy của các cơ sở đảng đều giữ vững sinh hoạt tập thể, tích cực chấp hành và lãnh đạo chấp hành nghiêm nghị quyết của chi bộ, của tổ chức đảng cấp trên. Cấp ủy của các liên chi cơ bản có mối quan hệ tốt với ban cán sự đảng, đảng đoàn, thủ trưởng chuyên môn, tham gia lãnh đạo tốt công tác quản lý cán bộ, quản lý đảng viên. Sinh hoạt chi bộ được duy trì có nền nếp. Nội dung sinh hoạt đã giảm dần tình trạng động viên tư tưởng chung chung, mà đã đi vào bàn bạc kế hoạch và trách nhiệm cụ thể, động viên đảng viên đóng góp trí tuệ xây dựng nghị quyết và tìm biện pháp đúng để thực hiện nghị quyết chi bộ.

Qua thực hiện nhiệm vụ của Đảng, của đơn vị, mặc dù trong điều kiện khó khăn vừa kháng chiến vừa kiến quốc, song tuyệt đại đa số đảng viên trong các liên chi đều tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, có quyết tâm vươn lên quán triệt đường lối và các nghị quyết của Đảng, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến bản thân và đơn vị. Mặc dù đời sống vật chất, tinh thần có nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng đại đa số đảng viên trong các cơ quan cấp tỉnh đều sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt công việc được giao. Nhiều đảng viên đã vươn lên trở thành tiên tiến xuất sắc. Thực tế, trong các chi bộ cơ sở đảng cũng có một số đảng viên hiếu danh, kiêu ngạo, không dám quyết đoán trong công việc, hẹp hòi, tỵ nạnh, lười biếng, vô kỷ luật, xa quần chúng, không muốn người khác hơn mình, thậm chí có lúc hoang mang dao động trước khó khăn. Tuy nhiên, nhờ đại đa số đảng viên trong các chi bộ đều tốt, các chi bộ luôn giữ nghiêm nguyên tắc dân chủ trong sinh hoạt, phê bình và tự phê bình, làm rõ được đúng sai, vạch ra được biện pháp khắc phục sửa chữa, cho nên số đảng viên này ngày càng ít đi.

Những thành tựu đạt được kể trên của tỉnh nhà, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cán bộ, đảng viên, công nhân viên các cơ quan, đơn vị Dân Chính Đảng cấp tỉnh. Thành tích đó chứng tỏ, các liên chi, các tổ chức cơ sở đảng đã có những thành công trong lãnh đạo chính trị tư tưởng cũng như tổ chức cán bộ.

Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ được mở màn. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ và ác liệt, ngày 7/5/1954, chiến dịch kết thúc thắng lợi. Trong chiến thắng chung của dân tộc, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức các cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh rất đỗi tự hào vì đã góp phần làm tròn nghĩa vụ vẻ vang của hậu phương chiến lược, đáp ứng kịp thời, đầy đủ sức người, sức của cho tiền tuyến.

Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang đã kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở ra thời kỳ mới cho lịch sử đất nước ta. Cùng với Nhân dân cả nước, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức các cơ quan Dân Chính Đảng Nghệ An phấn khởi bước vào giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng.

II.    THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ CƠ QUAN DÂN CHÍNH ĐẢNG TỈNH NGHỆ AN

Mùa thu năm 1954, hoà bình được lập lại trên toàn cõi Đông Dương, miền Bắc nước ta cơ bản hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa – xã hội.

Bên cạnh động lực tinh thần to lớn sau kháng chiến thắng lợi, cán bộ, đảng viên, công nhân viên cơ quan cấp tỉnh và Nhân dân tỉnh nhà cũng đứng trước những thách thức mới. Do huy động sức dân quá lớn cho kháng chiến thắng lợi, thời kỳ đầu của hòa bình lập lại, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn. Hạn hán kéo dài, sau hạn lớn là lũ lụt lớn, sản xuất vụ mùa năm 1954 không làm hết diện tích theo kế hoạch. Không những thế, thời gian này bọn phản động còn ra tay chống phá nhiều nơi. Nguy hại nghiêm trọng là việc dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào theo đạo Thiên Chúa di cư vào Nam. Những âm mưu, thủ đoạn đó của chúng đã làm mất ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến khối đại đoàn kết toàn dân, gây khó khăn cho khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế,… mà thực chất là chúng đang đánh vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ mới.

Đứng trước tình hình khó khăn, phức tạp trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có chủ trương và những giải pháp cấp bách để ổn định tình hình, trước hết là việc chấn chỉnh lại cơ quan Dân Chính Đảng các cấp.

Đến lúc này ở cấp tỉnh, Đảng bộ tỉnh Nghệ An vẫn duy trì nhiều liên chi bộ cơ quan cấp tỉnh. Tình trạng phân tán về tổ chức bộ máy, trùng lặp trong chỉ đạo đặt ra vấn đề cần phải được khắc phục ngay, hơn nữa yêu cầu cấp thiết cần có một mô hình tổ chức Đảng cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở, khác với tổ chức liên chi bộ hiện có. Mặc dầu, tổ chức liên chi bộ có vai trò và đã đóng góp rất lớn vào việc xây dựng Đảng bộ tỉnh thời kỳ kháng chiến nhưng bước vào thời kỳ mới, mô hình đó không còn phù hợp. Cùng với đó, để thực hiện tốt Thông tri số 85/TT/TW, ngày 22/11/1953 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, về việc chỉnh đốn bộ máy và biên chế của các cơ quan Dân Chính Đảng các cấp sau chỉnh huấn cơ quan, Tỉnh ủy Nghệ An đã quyết định giải thể các liên chi bộ và chọn lựa mô hình mới để thành lập Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng.

Cuối tháng 9/1954(7), Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng được tổ chức(8). Đại hội đã thảo luận, làm rõ vai trò, vị trí của Đảng bộ trong lãnh đạo các cơ sở đảng, ban, ngành, đơn vị thuộc quyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, định rõ phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ thời gian trước mắt và những năm tiếp theo. Đại hội bầu Ban Chấp hành, Ban Chấp hành bầu ra Bí thư(9).

Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất đề ra, Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng gặp rất nhiều khó khăn. Do các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ đều là kiêm chức, cán bộ chuyên trách không có, nên về nội dung, phương thức hoạt động của Đảng bộ lúc này còn lúng túng. Mặt khác, các quy định và hướng dẫn của cấp trên về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng cơ quan, mối quan hệ giữa cấp ủy với lãnh đạo chuyên môn, sự tham gia của chi ủy, chi bộ trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị thiếu cụ thể. Song, được sự quan tâm, giúp đỡ của Tỉnh ủy, sự cộng tác, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể trong và ngoài Đảng bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng đã đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục khó khăn, bám sát cơ sở, nắm chắc thực tế của các cơ sở đảng, trăn trở tìm kiếm giải pháp, từng bước tháo gỡ khó khăn, vươn lên hoàn thành ngày một tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh khi mới thành lập có 26 chi bộ cơ sở trực thuộc với 812 đảng viên. Chức năng của Đảng ủy là lãnh đạo, kiểm tra, giám sát các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc phát huy vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy cấp trên, của Đảng ủy, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, của cơ quan, đơn vị. Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng chính quyền và các đoàn thể trong các cơ quan Dân Chính Đảng vững mạnh. Đặc điểm cơ bản của Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng lúc này là không có cơ quan chính quyền và các tổ chức quần chúng đồng cấp. Không lãnh đạo trực tiếp đề ra nhiệm vụ chuyên môn mà chủ yếu lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, quản lý chính trị, tư tưởng, giáo dục cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện chức trách, nhiệm vụ do cơ quan, đơn vị đề ra. Tuy nhiên, trong Đảng bộ cũng có một số tổ chức cơ sở đảng có nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện như ở các đơn vị sự nghiệp (bệnh viện, trường học,…).

Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng có vai trò, vị trí quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh. Các cơ sở đảng của Đảng bộ có ở hầu hết các cơ quan đầu ngành của tỉnh. Những cơ quan này vừa là cơ quan tham mưu, vừa là cơ quan tổ chức thực hiện, kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm việc triển khai các chủ trương của Đảng bộ và chính quyền tỉnh. Đảng viên của Đảng bộ nắm giữ nhiều chức vụ chủ chốt trong các cơ quan chuyên môn của Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh. Hoạt động của các cấp ủy, của mỗi một cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ có tác động quan trọng đến việc triển khai thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh nhà. Nói cách khác, mọi hoạt động của các cấp ủy, đảng viên, cán bộ, công nhân viên chức trong Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng luôn luôn gắn liền và phục vụ đắc lực cho quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng bộ tỉnh.

Trong bối cảnh hòa bình mới được lập lại, thời kỳ đầu, đời sống của Nhân dân tỉnh nhà còn gặp nhiều khó khăn, kẻ thù tìm cách chống phá, Đảng bộ tỉnh Nghệ An chủ trương chấn chỉnh các cơ quan Dân Chính Đảng các cấp, thành lập Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng cấp tỉnh là đúng đắn. Sự kiện đó đã đáp ứng được yêu cầu xây dựng, củng cố và thống nhất các tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan cấp tỉnh. Từ đó góp phần làm cho hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng phù hợp với hoạt động của các cơ quan trong giai đoạn chuyển hướng công tác thực hiện nhiệm vụ cấp bách trước mắt đó là, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Đảng bộ tỉnh.

Chú thích:

(1) Theo lời kể của các đồng chí Hồ Sỹ Giàng – nguyên Bí thư Liên chi bộ (Liên chi 6-1); Lê Kim Yến – nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Liên chi Dân Chính Đảng; Hà Văn Tải – nguyên Bí thư Đảng ủy Khối Dân Chính Đảng.

(2) Ban Chấp hành Liên chi Dân Chính Đảng gồm các đồng chí: Hồ Sỹ Giàng, Phan Kế, Lê Kim Yến, Phan Duy Diếu, Chu Sỹ Lường, Nguyễn Văn Thạch. Đại hội diễn ra đúng dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đảng (6/1/1930 – 6/1/1950), với ý nghĩa đó, Đại hội đặt tên là “Liên chi 6-1”. Từ năm 1930 – 1960, ngày 6/1 được lấy làm kỷ niệm thành lập Đảng (BBS).

(3) Anh Ngô Văn Phú sinh ngày 5/2/1927, quê tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, thợ tiện rắc co đạn AT, ở Xưởng quân giới Quách Văn Cự, sản xuất năng suất đạt 366% định mức kỹ thuật, trở thành điển hình của phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm của tỉnh.

(4) Liên kết các tôn giáo để chống lại cộng sản.

(5) Hồ sơ số 26, cặp 02, phông 02, trang 122, lưu trữ tại Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ

(6) Thống kê ở Chi bộ Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh vào tháng 5/1954: tổng số 88 đảng viên, trong đó thành phần xuất thân gồm: 21 đồng chí công chức cũ; 35 đồng chí tiểu tư sản; 4 đồng chí phú nông, địa chủ; 28 đồng chí trung nông, bần nông.

(7) Căn cứ vào các tài liệu lịch sử hiện có, Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2000 – 2005, ra Quyết định số 277-QĐ/ĐU ngày 28/5/2004 lấy mốc 22/9/1954 làm ngày thành lập Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng Nghệ An và cũng là kỳ Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ. Quyết định số 512, ngày 3/10/2005, cách tính thứ tự các kỳ Đại hội Đảng bộ như cuốn sách Lịch sử Đảng bộ Các cơ quan Dân Chính Đảng Nghệ An (sơ thảo, giai đoạn 1954 – 2005) đã thể hiện.

(8) Theo tài liệu báo cáo tại Đại hội Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng lần thứ II (nhiệm kỳ 1959 – 1960), lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ

(9) Đến nay vẫn chưa có tư liệu về danh sách Ban Chấp hành và đồng chí Bí thư đầu tiên của Đảng ủy Khối Dân Chính Đảng. Ban Biên tập sẽ bổ sung sau khi có thông tin đầy đủ, chính xác.