I. LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (1976 – 1984)
Ngày 29/9/1975, Ban Chấp hành Trung ương đã họp Hội nghị lần thứ 24, quyết định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là: Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, miền Nam phải tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cuối năm 1975 đầu 1976, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh, các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh tương ứng cũng được tiến hành sáp nhập.
Ngày 14/2/1976, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh ra thông báo hoàn thành việc sáp nhập hai Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng Nghệ An và Hà Tĩnh thành Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng Nghệ Tĩnh; Quyết định số 57-QĐNS/NT về việc chỉ định Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ gồm 15 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Thắng giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy; đồng chí Trần Văn Đờn giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy. Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng Nghệ Tĩnh lúc này có 68 đảng bộ, chi bộ cơ sở. Trong đó có 41 đảng bộ cơ sở và 27 chi bộ cơ sở, lãnh đạo trên 1 vạn cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên lúc này, trong các đảng bộ ở các ty, công ty còn có một số chi bộ nhỏ, mang tính chất cơ sở đóng trên địa bàn huyện, thị như: xí nghiệp, cửa hàng, trạm trại, trường học, sinh hoạt ở đảng bộ ty và công ty. 41 đảng bộ ty và công ty có 368 chi bộ nhỏ, trong đó có 184 là chi bộ hành chính, 71 chi bộ của trường học, 79 đơn vị sản xuất kinh doanh, 56 chi bộ là văn phòng ty, công ty. Trong tổng số 368 chi bộ nhỏ có 102 chi bộ mang tính chất cơ sở (đơn vị hạch toán độc lập) đóng và hoạt động ở huyện, thị.
Tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng có nhiều loại hình tổ chức, gồm: hành chính, đơn vị sự nghiệp và cả các đơn vị sản xuất kinh doanh, hơn nữa lại đóng rải ra quá rộng, do đó việc lãnh đạo sinh hoạt của cán bộ, đảng viên cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy ban đầu trong lãnh đạo có nhiều khó khăn, nhất là việc triển khai hợp nhất tổ chức đảng đi sau việc hợp nhất tổ chức chuyên môn khá lâu nhưng dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng ủy lâm thời, các tổ chức cơ sở đảng dù còn chưa thật khớp nhau về tác phong, tập quán nhưng nhìn chung đã phát huy được kết quả thực hiện Chỉ thị số 192-CT/TW, Nghị quyết số 195-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 23, 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 245-NQ/TW của Bộ Chính trị và Thông báo hợp tỉnh của hai Ban Thường vụ hai tỉnh, trước hết là các đảng bộ thuộc khối cơ quan văn phòng các ty, công ty và các cơ quan ngang ty nên đã lãnh đạo nhanh, gọn, chặt chẽ công tác hợp nhất, vừa khắc phục khó khăn cụ thể nêu trên, vừa khẩn trương tổ chức đi cơ sở nắm tình hình và giải quyết các mặt công tác. Từ đó, góp phần tích cực cùng các huyện và ngành khác trong tỉnh, phát động và duy trì khá liên tục, bền bỉ, đồng đều phong trào quần chúng lao động sản xuất nói chung cũng như phong trào toàn quân, toàn dân ra quân làm thủy lợi nói riêng, đặc biệt là đối với công tác hoàn chỉnh thủy nông với công trình Kẻ Gỗ.
Cùng với Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh, hoạt động của Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng đã bước sang giai đoạn mới – giai đoạn đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc của Nhân dân”. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, được kế thừa truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng, được phong trào cách mạng của Nhân dân toàn tỉnh cổ vũ, cán bộ, đảng viên, công nhân viên thuộc Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng đã liên tục phấn đấu, khắc phục khó khăn, với tư tưởng cách mạng tiến công, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong mọi công tác, có tác dụng thúc đẩy phong trào tổ chức lại lao động, sản xuất công tác, phát triển theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực cùng đơn vị, ban, ngành hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và kế hoạch nhà nước.
Nét nổi bật trong phong trào thi đua những năm đầu nhập tỉnh của các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh là, chuyển biến đều trên các mặt cả về nhiệm vụ chính trị, tổ chức đời sống và công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức quần chúng. Có nhiều đơn vị vẫn giữ được truyền thống lá cờ đầu như: Uỷ ban Kế hoạch nhà nước, Ty Lao động, Cục Thống kê, Ty Giáo dục, Ty Xây dựng, Ty Công an, Ty Lương thực, Công ty Muối, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh,… Thông qua lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong các cơ quan, vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức cơ sở đảng được thể hiện rõ hơn.
Cơ sở đảng trong các cơ quan đảng tập trung nâng cao chất lượng tham mưu ra các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn chỉ đạo tổ chức thực hiện, tiến hành kiểm tra, sơ kết, tổng kết các nghị quyết,…
Cơ sở đảng các cơ quan chính quyền đã tham mưu xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các chính sách, giải pháp nhằm phát triển kinh tế – xã hội của ngành, của tỉnh. Nổi bật là, chất lượng chính sách hoàn chỉnh thủy nông, quy hoạch vùng chuyên canh, thâm canh lúa và màu, chính sách điều hành lao động trên quy mô hợp tác xã, huyện, tỉnh, kế hoạch tổ chức chỉ đạo công trường thủ công, hiệp tác có phân công trong xây dựng đập nước Kẻ Gỗ, hoàn chỉnh thủy nông vùng Nghèn, Vách Bắc theo phương châm “đồng bộ, dứt điểm”, chính sách dời dân lên đồi và đi xây dựng vùng kinh tế mới…
Cơ sở đảng trong cơ quan đoàn thể nhân dân lãnh đạo việc tham mưu triển khai các cuộc vận động cách mạng, các chương trình gắn với cơ sở và địa bàn dân cư, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhà nước các cấp.
Cơ sở đảng trong các đơn vị sự nghiệp lãnh đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chức năng, kế hoạch từng năm và 5 năm đã được các cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Nhìn chung, hầu hết các cơ sở đảng ở các cơ quan đều có những cải tiến trong lãnh đạo vươn lên hoàn thành nhiệm vụ chính trị cụ thể của mình, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh của tỉnh trong những năm 1976 – 1977.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Trung ương Đảng có chủ trương mới về hệ thống chỉ đạo và tổ chức của đảng bộ cơ quan, được sắp xếp theo địa bàn lãnh thổ. Thực hiện chủ trương đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, những tháng cuối năm 1977, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiến hành từng bước kiện toàn tổ chức và chuyển dần về địa bàn lãnh thổ theo nguyên tắc: “Các chi bộ, đảng bộ cơ sở ở ty và các cơ quan ngang ty trước mắt và tạm thời còn để trực thuộc Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh trong một thời gian quy định. Trong đó, tách ra những đơn vị cơ sở như: xí nghiệp, cửa hàng, trạm trại, trường học,… đóng và công tác ở nơi nào thì chuyển về nơi đó”(1). Số còn lại như các chi bộ, đảng bộ cơ sở các công ty và những đơn vị trực thuộc khác nói chung chuyển về cho các thành, thị, huyện.
Sau một thời gian tiến hành công tác tổ chức khẩn trương đúng nguyên tắc, thủ tục, Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng đã chuyển về địa bàn lãnh thổ gồm 51 đảng bộ cơ sở, 78 chi bộ cơ sở, trong đó chuyển về thành phố Vinh 47 đảng bộ và 28 chi bộ cơ sở. Ngày 20/2/1978, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh ra Quyết định số 173-QĐ/TU về việc giải thể Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng.
Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng sau khi giải thể, kể từ tháng 2/1978, tuy không tồn tại về mặt tổ chức, nhưng công tác xây dựng Đảng ở từng đảng bộ, chi bộ cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh vẫn tiếp tục được duy trì. Hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng ở mỗi cơ quan cả về nội dung và phương thức có nhiều thay đổi. Từ đây, các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh cũng như tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên của các cơ quan có điều kiện gắn bó chặt chẽ hơn với cấp ủy, chính quyền địa phương và với quần chúng nhân dân. Các mối quan hệ giữa cấp uỷ với thủ trưởng cơ quan, với ban cán sự, đảng đoàn đã được thực hiện theo quy chế nên đảm bảo tốt việc đoàn kết trong nội bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp ngay trong mỗi cơ quan, đơn vị.
II. LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TRONG NHỮNG NĂM 1984 – 1991
Kể từ năm 1978 đến 1984, các tổ chức cơ sở đảng của các cơ quan cấp tỉnh trực thuộc Thành ủy Vinh lãnh đạo, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn có những mặt hạn chế. Sau một thời gian giải thể, thực hiện Quyết định số 12-QĐ/TW, ngày 8/11/1982 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V), ngày 3/6/1984, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh ra Quyết định số 318-QĐ/TU về việc thành lập 6 đảng bộ khối trực thuộc Tỉnh ủy:
+ Đảng bộ Khối Khoa giáo.
+ Đảng bộ Khối Tư tưởng – Văn hóa.
+ Đảng bộ Khối Dân Chính Đảng.
+ Đảng bộ Khối Kinh tế.
+ Đảng bộ Khối Nông, Lâm, Ngư.
+ Đảng bộ Khối Nội chính.
Để ổn định tổ chức, ngày 1/10/1986, Đại hội Đảng bộ Khối Dân Chính Đảng lần thứ X được tổ chức tại thành phố Vinh. Đại hội đã đề ra phương hướng cho Đảng bộ nhiệm kỳ tới là: tăng cường vai trò lãnh đạo, tham mưu của Đảng bộ đối với phong trào chung của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và quốc phòng – an ninh. Đại hội bầu Ban Chấp hành, Ban Chấp hành bầu đồng chí Hà Văn Tải giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy.
Sau Đại hội, vào ngày 9/2/1987, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 162-QĐ/TU về việc sáp nhập Đảng bộ Khối Tư tưởng – Văn hóa với Đảng bộ Khối Khoa giáo thành Đảng bộ Khối Văn xã; Đảng bộ Khối Nông, Lâm, Ngư với Đảng bộ Khối Kinh tế thành Đảng bộ Khối Kinh tế; Đảng bộ Dân Chính Đảng với Đảng bộ Khối Nội chính thành Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng.
Để kịp thời lãnh đạo các đơn vị, ban, ngành cấp tỉnh trong thời kỳ mới, ngày 4/4/1987, Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng lần thứ XI được tổ chức.
Đại hội đánh giá ưu điểm, khuyết điểm trong lãnh đạo công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Khối Dân Chính Đảng nhiệm kỳ 1986 – 1987. Đồng thời, đề ra phương hướng cho Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng nhiệm kỳ tới là: quán triệt các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III), tiếp tục thực hiện tốt ba cuộc vận động, bồi dưỡng tinh thần triệt để cách mạng, ý chí chiến đấu cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, tinh thần dũng cảm trong sản xuất cũng như chiến đấu, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, làm chủ tập thể, tinh thần tự lực cánh sinh, chủ động sáng tạo, tinh thần hợp tác xã hội chủ ng- hĩa; khắc phục tư tưởng hữu khuynh bảo thủ, chống tư tưởng tự do vô kỷ luật, lơ là mất cảnh giác chính trị, thiếu trách nhiệm cầu an, ngại khó, ngại khổ; phê phán tư tưởng hòa bình nghỉ ngơi, thỏa mãn thành tích; chống quan liêu độc đoán gia trưởng, kém đạo đức cách mạng, thiếu đoàn kết, tham ô, lãng phí và biểu hiện cá nhân chủ nghĩa khác; suy bì đãi ngộ, tư lợi, tính toán cá nhân, sinh hoạt phóng túng; xây dựng nếp sống cần cù, giản dị, khiêm tốn, chí công vô tư; kiện toàn tổ chức, củng cố sinh hoạt, đảm bảo dân chủ kỷ luật, nâng cao phê bình và tự phê bình có tình, có lý với thái độ thực sự cầu thị, thương yêu đồng chí; xây dựng lề lối làm việc khoa học, phong cách chỉ đạo cụ thể, sát cơ sở, sát thực tế. Ra sức bồi dưỡng nâng cao kiến thức cách mạng, trình độ chính trị văn hóa, khoa học kỹ thuật, năng lực quản lý kinh tế, quản lý cơ quan, khả năng vận động quần chúng, trình độ công tác xây dựng đảng. Quyết tâm xây dựng Đảng bộ vững về tư tưởng, mạnh về tổ chức, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong mọi tình huống, góp phần hoàn thành kế hoạch nhà nước.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 17 ủy viên. Tại phiên họp đầu tiên, Ban Chấp hành Đảng bộ bầu đồng chí Vũ Công Trước giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, đồng chí Nguyễn Văn Thành giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy.
Giai đoạn này, mặc dù có khó khăn về đời sống nhưng đại bộ phận đảng viên đều sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong đó, có 40% đảng viên đạt lao động tiên tiến xuất sắc. Nhìn chung, các đảng viên đã phát huy tối đa kiến thức, năng lực của mình hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Tích cực khắc phục đời sống, khó khăn, nêu gương tốt về vai trò tiên phong, gương mẫu, đóng góp sáng kiến xây dựng và thực hiện phương án cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cơ quan, thực hiện các chính sách chế độ trợ cấp khó khăn, không tùy tiện gây sơ hở trong quản lý để tham ô, không lợi dụng nghề nghiệp và cương vị công tác để thu vén có tính chất đặc quyền, đặc lợi. Thời gian này, đội ngũ cán bộ, đảng viên các đơn vị cơ quan cấp tỉnh nhìn chung ý thức đầy đủ đối với việc chăm lo xây dựng cơ quan, xây dựng nội bộ Đảng. Thể hiện được không khí dân chủ, công khai hóa trong sinh hoạt cơ quan và sinh hoạt Đảng. Tự phê bình và phê bình có tiến bộ trong việc làm rõ đúng, sai, có vạch ra biện pháp sửa chữa, lắng nghe và tôn trọng ý kiến đóng góp của quần chúng. Đối với cơ quan, đảng viên đã thể hiện trách nhiệm hơn trong việc tham gia cải tiến bộ máy, sắp xếp biên chế, bố trí cán bộ, xây dựng và thực hiện nội quy, quy chế mới.
Về xây dựng tổ chức đảng, cả ba đảng bộ khối có 73 cơ sở đảng trực thuộc, trong đó có 47 đảng bộ cơ sở với 350 chi bộ nhỏ. Gần 60 cơ sở tổ chức ở cơ quan, số còn lại là ở đơn vị sản xuất kinh doanh, sự nghiệp, trường học.
Chất lượng hoạt động của đội ngũ đảng viên tương đối đều, có thái độ đổi mới rõ rệt. Chi bộ, đảng bộ có nội dung thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo thiết thực. Sinh hoạt đảng đều kỳ và có chất lượng. Nội bộ cơ quan, nhất là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo đoàn kết thực sự, các đoàn thể có tổ chức và nội dung hoạt động rõ ràng. Tập thể cấp ủy trách nhiệm cao, hoạt động đều, cấp ủy và thủ trưởng chuyên môn có mối quan hệ công tác thực sự.
Sau 3 năm (1984 – 1986) hoạt động theo mô hình 6 khối, 3 khối đảng bộ thuộc Tỉnh ủy, những nhược điểm của nó đã bộc lộ một cách rõ rệt. Đồng chí Bí thư Đảng ủy là kiêm nhiệm, cán bộ giúp việc cấp ủy chỉ có một vài người (không có cơ quan cấp ủy), Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cấp ủy cũng 100% là kiêm nhiệm. Trong khi đó, cơ cấu tổ chức của mỗi đảng bộ lại có nhiều loại hình. Cấp ủy trực tiếp là Ban Thường vụ, Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy không đủ thời gian tối thiểu cũng như điều kiện cần thiết để chăm lo công tác Đảng cả ở cấp đảng bộ lẫn tổ chức cơ sở.
Lúc này, tình hình trên đòi hỏi các ban của Tỉnh ủy, các cơ quan của Mặt trận và các tổ chức quần chúng phải thật sự mạnh để thực hiện hiệu quả cao nhất chức năng tham mưu chỉ đạo. Các cơ quan nhà nước cũng phải xây dựng đủ mạnh để thực hiện chức năng quản lý nhà nước chứ không ôm đồm như trước được nữa. Từ đó, yêu cầu xây dựng cơ quan đảng, cơ quan của Nhà nước, cơ quan của Mặt trận và các đoàn thể mạnh đặt ra một cách bức thiết. Công tác Đảng trong các cơ quan tất yếu phải giải đáp được đòi hỏi ấy. Điều kiện tái lập trở lại tổ chức Đảng bộ các cơ quan cấp tỉnh đã chín muồi.
Ngày 19/7/1988, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh ra Quyết định số 452-QĐ/TU về việc sáp nhập 3 đảng bộ khối: Cơ quan Dân Chính Đảng, Kinh tế và Văn xã thành lập Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Nghệ Tĩnh trực thuộc Tỉnh ủy; đồng thời, tách Đảng bộ Cơ quan Tỉnh ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Khi thành lập, Đảng bộ Các cơ quan tỉnh có 73 tổ chức cơ sở đảng, với 3.600 đảng viên, chiếm 60% tổng số cán bộ, công nhân viên. Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời được Tỉnh ủy quyết định gồm 15 uỷ viên. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Châu được chỉ định giữ chức vụ Bí thư Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Thành giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy.
Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội của đất nước, của tỉnh nhà đang phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn. Nền kinh tế của Nghệ Tĩnh từ nền sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội, cơ sở vật chất – kỹ thuật nghèo nàn và lạc hậu. Hậu quả chiến tranh và thiên tai tàn phá ở những năm trước để lại nặng nề. Mặt khác, những hạn chế lớn của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp, gắn với đó là thực trạng nền kinh tế đất nước đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Sản xuất nông nghiệp, ngành sản xuất chính ngày càng sa sút, nông dân không còn hăng hái sản xuất như trước. Sản xuất công nghiệp theo thống kê vẫn tăng về giá trị nhưng trên thực tế đại đa số xí nghiệp, nhà máy rơi vào tình trạng “lãi giả, lỗ thật”, vì được Nhà nước bao cấp tràn lan. Lưu thông, phân phối bế tắc, lạm phát với tốc độ nhanh,…
Kinh tế Nghệ Tĩnh nằm trong tình trạng chung của cả nước nhưng nhiều mặt còn gay gắt hơn, sản xuất chưa đủ ăn, chưa đủ tiêu dùng, chưa có tích lũy. Tình trạng mất cân đối nghiêm trọng diễn ra, nhất là vấn đề lương thực, hàng tiêu dùng thiết yếu từ nguyên liệu địa phương. Tiền, hàng, về thu, chi ngân sách mất cân đối lớn và kéo dài. Tình trạng đó dẫn tới đời sống của các tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn. Cán bộ, công chức, những người làm công ăn lương và Nhân dân vùng trồng cây công nghiệp, thiếu, thậm chí có lúc còn căng thẳng về lương thực.
Sau khi thành lập Đảng bộ Các cơ quan tỉnh, bắt tay vào lãnh đạo, chỉ đạo các cơ sở đảng trên cơ sở khảo sát kỹ, nắm chắc thực trạng hoạt động của đội ngũ đảng viên và tổ chức đảng, xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo đơn vị trong 6 tháng cuối năm 1988 và cho đến năm 1990 theo yêu cầu chung được Đảng ủy xác định: “Công tác xây dựng Đảng ở cơ quan vốn là một vấn đề khó. Đáp ứng yêu cầu đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vào cuộc sống, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ sở đảng ở cơ quan phải được mọi đảng viên, cấp ủy, thủ trưởng chuyên môn quan tâm để từng bước tạo được chuyển biến thực sự. Phấn đấu theo yêu cầu Nghị quyết Hội nghị lần thứ V của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 04 của Bộ Chính trị (khóa VI), đến năm 1990, Đảng bộ đã xóa được cơ sở yếu, giải quyết căn bản số đơn vị nội bộ lãnh đạo thiếu đoàn kết, khắc phục được tình trạng đảng vụ hành chính đơn thuần, gắn công tác đảng với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành, có đóng góp thiết thực vào công cuộc đổi mới của tỉnh”(2).
Về công tác chính trị tư tưởng, Đảng ủy chỉ đạo cần đạt: “Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 04, vận dụng vào Đảng bộ Các cơ quan tỉnh, tập trung xây dựng sự thống nhất và gắn bó 3 quan điểm:
- Thể hiện sự nhất trí cao ở sự kết hợp gắn bó giữa xây dựng ngành, xây dựng cơ quan, đơn vị với xây dựng đảng bộ, chi bộ vững mạnh để thiết thực phục vụ công cuộc đổi mới của cả tỉnh và cả nước.
- Hoạt động của tổ chức đảng cơ quan nhằm tác động trực tiếp vào đội ngũ đảng viên, cán bộ, công nhân viên, chi bộ và đoàn thể quần chúng. Phải tạo cho đảng viên, chi bộ có điều kiện vươn lên đáp ứng được yêu cầu đổi mới của cơ quan, của ngành và cả tỉnh. Làm rõ được những yêu cầu của tổ chức đảng đối với đảng viên và của đảng viên đối với tổ chức đảng trong mục đích chung là đổi mới… để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và xây dựng củng cố nội bộ Đảng.
- Trong ba loại đối tượng đảng viên ở cơ quan, hoạt động của chi bộ, của cấp ủy tập trung nhiều vào việc nâng cao trách nhiệm, phát huy năng lực kiến thức và yêu cầu cao vai trò gương mẫu của đảng viên là cán bộ lãnh đạo, trước hết là trưởng ngành và bí thư đảng ủy. Đồng thời, cấp ủy, chi bộ cũng làm hết trách nhiệm của mình đối với các đồng chí đó, nhất là việc phát huy nhân tố mới, kiểm tra, giáo dục, uốn nắn kịp thời các lệch lạc, khuyết điểm, thiếu sót của các đồng chí đó”(3).
Sau khi thành lập, Đảng ủy Các cơ quan tỉnh Nghệ Tĩnh đã thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước toàn Đảng bộ và cấp trên. Bám sát nghị quyết của Đảng bộ và nghị quyết của cấp trên, tập trung trí tuệ của cấp ủy vào việc: tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị học tập các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy, nghiên cứu, vận dụng xây dựng các nội dung trọng tâm để lãnh đạo các cơ sở đảng thực hiện. Đầu tư nhiều vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên và phát huy vai trò đảng viên trong phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và từng bước xây dựng nội dung nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng. Có nhiều cố gắng đổi mới phương thức và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy quy định chức năng, nhiệm vụ của Đảng ủy và bám vào chức năng, nhiệm vụ để thực hiện. Thực hiện chế độ sơ kết, tổng kết nghiêm túc. Chú ý tăng cường công tác kiểm tra như: kiểm tra sinh hoạt chi bộ; kiểm tra chéo định kỳ; kiểm tra đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng. Từng bước cải tiến sinh hoạt cấp ủy, coi trọng công tác chuẩn bị nội dung để rút bớt thời gian hội nghị, chấp hành nghiêm chế độ báo cáo thỉnh thị cấp trên. Đầu tư chỉ đạo xây dựng điểm và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Tổ chức tọa đàm, đối thoại giải quyết vướng mắc nội bộ một số cán bộ, đảng viên. Đó là một trong những nguyên nhân trực tiếp đưa hoạt động của đội ngũ đảng viên cũng như các cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ thời gian này đi vào nền nếp và từng bước trưởng thành.
Ngày 12/5/1989, Đại hội đại biểu Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Nghệ Tĩnh lần thứ XII được tổ chức tại Cửa Lò. Đại hội đã tổng kết, đánh giá công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ trong thời gian qua và đề ra phương hướng, mục tiêu chung cho nhiệm kỳ tới đó là: “Tiếp tục quán triệt các quan điểm đổi mới của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, phát huy kết quả và vận dụng những kinh nghiệm vừa qua, lấy nhiệm vụ chính trị, 3 chương trình kinh tế, nội dung đổi mới cơ chế quản lý của tỉnh, của ngành,… làm mục tiêu phấn đấu, bằng mọi cách làm chuyển biến thật sự chất lượng đảng viên, chi bộ và cải tiến sự hoạt động của cấp ủy, thực hiện tốt quan điểm: Xây dựng Đảng bộ vững mạnh gắn liền với xây dựng cơ quan mạnh, ngành mạnh và tỉnh mạnh”(4).
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 19 đồng chí. Tại phiên họp đầu tiên, Ban Chấp hành Đảng bộ bầu đồng chí Nguyễn Thị Minh Châu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, đồng chí Nguyễn Văn Thành giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy.
Thực hiện nghị quyết của đại hội Đảng các cấp, trong giai đoạn này, Đảng ủy Các cơ quan cấp tỉnh đã chú trọng vào việc quán triệt, vận dụng Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng và định hướng phát triển 3 chương trình kinh tế lớn của đất nước vào các hoạt động của đơn vị. Từ đó, Đảng bộ đã giành được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Điểm nổi bật trong phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Các cơ quan tỉnh giai đoạn 1989 – 1991 là, đội ngũ đảng viên của Đảng bộ đã thể hiện rõ quan điểm đổi mới của Đảng, nhiều đồng chí thường xuyên trăn trở tìm những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong chuyển đổi cơ chế, nhất là những đảng viên là cán bộ lãnh đạo và quản lý.
Các cơ quan hành chính sự nghiệp trong mỗi loại hình đều có những ngành giữ vững được vị trí nhất, nhì của cả nước; giữ được cờ luân lưu hoặc được tặng thưởng huân chương như: Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hội Liên hiệp Phụ nữ; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bưu điện tỉnh. Riêng Sở Y tế, Sở Giáo dục đã tạo được một số tiến bộ quan trọng trong tiêm chủng mở rộng, cũng như số học sinh giỏi của tỉnh, quốc gia, quốc tế tăng lên rõ rệt.
Các đơn vị kinh tế quốc doanh trong chuyển đổi cơ chế, nhìn chung vẫn đứng vững, có đơn vị phát triển khá. Một số cơ sở hoạt động cung ứng dịch vụ kinh doanh bảo toàn được vốn, có tích lũy như: Công ty Vật tư, Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu, Nhà khách Giao tế,…
Ngân hàng Nhà nước có tiến bộ trong đầu tư cho vay vốn phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhất là đối với kinh tế tư nhân, cá thể và hộ gia đình. Việc chuyển hướng theo Pháp lệnh ngân hàng tuy đang khó khăn nhưng bước đầu có sự nhịp nhàng trong chuyển hướng nhiệm vụ gắn với đổi mới hệ thống tổ chức và cán bộ theo yêu cầu mới.
Những kết quả đạt được kể trên là thực tế chứng minh Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất đề ra: “Xây dựng Đảng bộ vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan mạnh, ngành mạnh là đúng đắn và phù hợp”(5). Cũng từ thực tế cho thấy, ngành mạnh phải thể hiện rõ hai mặt cơ bản là: nhiệm vụ chính trị hoàn thành tốt gắn với sự chuyển biến thật sự về hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ của ngành. Hai mặt đó đặt ra cho tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ở cơ quan đầu ngành nhiệm vụ hết sức quan trọng. Một số ngành kinh tế còn có những mặt cơ bản khác, như Bưu điện tuy là ngành độc quyền nhưng trong chuyển đổi cơ chế đã thể hiện sự nhanh nhạy, chủ động nắm bắt, ứng dụng khoa học công nghệ và thiết bị hiện đại vào sản xuất, giảm biên chế từ 2.500 xuống còn hơn 1.000 lao động, ổn định được việc làm và nâng cao đời sống cán bộ, công nhân viên cả trong và ngoài dây chuyền.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng tiếp tục được tiến hành thường xuyên, liên tục kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Đảng ủy đã quan tâm đúng mức đối với việc giáo dục quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy cho đảng viên, chú ý cải tiến hình thức và phương pháp để tăng dần số đảng viên tham gia, đảm bảo giáo dục vừa có hệ thống vừa củng cố và nâng cao nhận thức cho đảng viên, gắn việc giáo dục nghị quyết với việc cụ thể hóa nghị quyết, giáo dục nghị quyết gắn với giáo dục thời sự chính sách.
Qua thử thách của những năm đầu chuyển đổi cơ chế mới, trong bối cảnh sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, có thể khẳng định, đảng viên trong Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Nghệ Tĩnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhất trí cao với các quan điểm, nghị quyết của Đảng, tin tưởng con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn là đúng đắn, khẳng định nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Việc chăm lo xây dựng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Nghệ Tĩnh đã chú ý coi trọng cả ba mặt: vừa giáo dục rèn luyện chất lượng đảng viên, vừa phát triển đảng viên mới đảm bảo chất lượng, vừa kiểm tra, xem xét xử lý những đảng viên vi phạm kỷ luật.
Tiến bộ trên rõ nhất là việc thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 và thứ 6, đặc biệt là thực hiện Quyết định số 240-QĐ/HĐBT, ngày 26/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về đấu tranh chống tham nhũng, Nghị quyết số 22-NQ/TU của Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 11-NQ/ ĐU của Đảng ủy gắn với kiểm tra đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng. Đảng bộ có trên 80% đảng viên được xếp loại chấp hành tốt, trong đó có 12,5% số đảng viên xuất sắc được biểu dương. Trong những năm 1988 – 1991, kết nạp 280 đảng viên mới, đảm bảo tiêu chuẩn, phát huy tác dụng tốt. Công tác phát triển Đảng được các chi bộ thường xuyên quan tâm, tạo môi trường tốt, cấp ủy cơ sở thường xuyên kiểm tra đôn đốc và chỉ đạo hướng dẫn kịp thời, từng bước đi vào nến nếp.
Công tác kiểm tra thi hành kỷ luật Đảng, xem xét, xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật nhất là qua thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/ TU của Thường vụ Tỉnh ủy được tiến hành kịp thời. Từ năm 1989 đến hết năm 1991, Đảng ủy Các cơ quan tỉnh đã xử lý kỷ luật 64 đảng viên, khai trừ khỏi Đảng 22 đảng viên.
Trong không khí phấn khởi đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất lập thành tích cao để chào mừng đại hội Đảng các cấp, từ ngày 5 đến 6/4/1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Nghệ Tĩnh lần thứ XIII (vòng 1) được tổ chức tại thị trấn Cửa Lò. Đại hội có 166/167 đại biểu chính thức tham dự.
Trong hai ngày làm việc tích cực, khẩn trương, các đại biểu đã tập trung trí tuệ thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện dự thảo của Trung ương Đảng: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000; Báo cáo chính trị; Báo cáo xây dựng Đảng; Sửa đổi Điều lệ và Điều lệ sửa đổi sẽ trình tại Đại hội lần thứ VII của Đảng. Đại hội bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh lần thứ XIII (vòng 1) gồm 16 đại biểu.
Ngày 12/8/1991, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định chia tỉnh Nghệ Tĩnh thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, tháng 8/1991, Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Nghệ Tĩnh được chia tách thành Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Nghệ An và Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Hà Tĩnh trực thuộc Tỉnh ủy 2 tỉnh.
Ngày 29/8/1991, Tỉnh ủy Nghệ An ra Quyết định số 05-QĐ/TU về việc chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Nghệ An gồm 17 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Châu tiếp tục được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Nguyễn Văn Thành được chỉ định làm Phó Bí thư Đảng ủy.
Chặng đường hoạt động trong gần 16 năm, kể từ tháng 2/1976 đến 8/1991 trong hoàn cảnh cùng Nhân dân tỉnh nhà liên tiếp chiến đấu chống lại đói nghèo, thiên tai địch họa, trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế – xã hội của đất nước, thực hiện những nhiệm vụ trọng đại của sự nghiệp đổi mới, trọng tâm là đổi mới tư duy kinh tế, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp… Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Nghệ Tĩnh đã giành được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, những thay đổi về mô hình tổ chức Đảng bộ chưa thống nhất, khi là Đảng bộ Dân Chính Đảng, khi là Đảng bộ 3 khối (Văn xã, Kinh tế và Cơ quan Dân Chính Đảng), rồi đến Đảng bộ Các cơ quan tỉnh. Tiếp đó là thời kỳ tổ chức Đảng chuyển về hoạt động theo địa bàn lãnh thổ,… Song, dù trong hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công nhân viên chức của Đảng bộ Các cơ quan tỉnh vẫn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, kiên trì xây dựng tổ chức Đảng, rèn luyện đội ngũ đảng viên cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gương mẫu hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng cùng Nhân dân tỉnh nhà giành được những thành tựu mới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh.
Chú thích:
(1) Trích kế hoạch chuyển và đi đến giải thể Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng, tháng 3/1977 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An. Hồ sơ cặp số 36, số 455.
(2) Báo cáo tình hình và nhiệm vụ của Đảng ủy Các cơ quan tỉnh Nghệ Tĩnh sau tiếp nhận bàn giao của Đảng ủy 3 khối. Cặp 50, Hồ sơ số 572, tr.13, lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An.
(3) Báo cáo tình hình và nhiệm vụ của Đảng uỷ Các cơ quan tỉnh Nghệ Tĩnh sau tiếp nhận bàn giao của Đảng ủy 3 khối. Cặp 50, Hồ sơ số 572, tr.13, lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An.
(4) Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Nghệ Tĩnh lần thứ XII (vòng 1) tr.16 – 17, lưu tại Văn phòng Tỉnh uỷ Nghệ An.
(5) Trích Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Các cơ quan tỉnh Nghệ Tĩnh lần thứ XII (vòng 2), tr.4, lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An.